Thứ Ba, 6 tháng 3, 2012

Bai 1 Hang ngan du khach bi lua o chua Huong

(PL&XH) - Đến chùa Hương, vào khu vực mua vé, chúng tôi bị bao vây bởi rất đông người, ai cũng cầm trên tay từng sấp tiền lẻ mới cứng "léo nhéo" bên tai: "Anh chị đổi tiền lẻ cho em", "đổi 100.000 đồng lấy 80.000 đồng"...
Một ngày cuối tuần, tôi cùng nhóm bạn quyết định đi lễ chùa Hương để tận hưởng chút không khí lễ hội. Thật bất ngờ, khi mới đón xe khách ở quận Hà Đông, Hà Nội, chúng tôi đã được "thưởng thức không khí của chùa Hương", nói vậy bởi có một nhóm người chạy theo chúng tôi mời chào đon đả: "Các anh chị đi thuyền của nhà em nhé", "gửi xe nhà em, vừa rẻ vừa an toàn"... Mặc cho chúng tôi cương quyết từ chối, một tay xe ôm khoảng 40 tuổi vẫn cố bám theo sau. "Máu nghề nghiệp" lại nổi, tôi quyết định chọn một "cò" để tìm hiểu những trò chèo kéo khách diễn ra như thế nào.


Những ổ "đỏ đen" di động Ảnh: Xuân Thắng

Đến chùa Hương, vào khu vực mua vé, chúng tôi bị bao vây bởi rất đông người, ai cũng cầm trên tay từng sấp tiền lẻ mới cứng "léo nhéo" bên tai: "Anh chị đổi tiền lẻ cho em", "đổi 100.000 đồng lấy 80.000 đồng"... Sau khi đã cố chen chân mua được vé, chúng tôi được tay "cò đò" gọi một phụ nữ dáng người nhỏ nhắn dẫn đường vào tận động Hương Tích.

Tới bến Đục, cả nhóm "hí hửng" chuẩn bị bước lên đò, thì liền bị người phụ nữ kia chặn lại đòi tiền một cách trắng trợn: "Cả đi, cả về, các em bồi dưỡng cho lái đò 300.000 đồng nhé! Đấy là giá hữu nghị rồi đấy, nếu các anh chị mà đi đò khác chắc còn bị chém ghê hơn". Khi chúng tôi thắc mắc đã mua vé bao gồm cả phí thắng cảnh và phí đi đò, thì người này trả lời ngang: "Đó là tiền vé của Ban quản lý thôi, ngoài ra các anh chị phải có thêm tiền bồi dưỡng cho chủ đò chứ. Chắc các anh chị đi chùa Hương lần đầu hả?", người phụ nữ bĩu môi, rồi hô hố cười. Đứng một lúc, tôi chứng kiến rất nhiều người cũng bị "dính lừa" như mình.


Cấm cứ cấm... mà vứt cứ vứt Ảnh: Xuân Thắng

Trên đường đi, tôi thấy tình trạng các cửa hàng treo bán thú rừng vẫn ngang nhiên diễn ra. Các mặt hàng cấm như súng đạn nhựa vẫn được bày bán một cách tràn lan. Thậm chí, các con thuyền cũng bị biến thành các ổ "đỏ đen" di động. Nhiều hành khách đi chùa Hương không phải là để "lễ chùa" mà là để sắm cho mình những khẩu súng "thời trang", đi lại "khệnh khạng" tạo hình ảnh phản cảm chốn cửa phật.


Một trạm CA bị trưng dụng thành nơi buôn bán Ảnh: Xuân Thắng

Kết thúc cuộc hành trình dài 5km bằng đò trên dòng suối Yến, chúng tôi đã có mặt tại cổng hang dẫn vào chùa Hương. Do là dịp cuối tuần, nên lượng người kéo về chùa Hương nhiều. Con đường nhỏ đi lên các địa điểm tham quan của khu di tích lúc nào cũng trong tình trạng ùn tắc. Hàng trăm quán bên đường nhìn nhếch nhác, lộn xộn.

Một điểm mới của chùa Hương năm nay, tại nhiều vị trí có những bảng chữ trắng nền xanh, trông rất ấn tượng với nội dung: "Vì môi trường xanh - sạch - đẹp, hãy bỏ rác thải đúng nơi quy định, không vứt rác xuống suối (vi phạm sẽ xử lý theo Nghị định 23 của Chính phủ)". Thế nhưng, theo quan sát của tôi, hai bên lối đi, mặc dù có các biển báo cấm, thì một số du khách vẫn thản nhiên xả rác như chốn không người. Thậm chí, khu vực phía ngoài trạm CA Hương Tích án ngữ ngay trước lối vào động Hương Tích, đã biến thành địa điểm buôn bán của một cửa hàng ăn. Chứng kiến những cảnh như thế, ai cũng thở dài ngao ngán.

(Còn nữa)
Xuân Thắng

Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét