QĐND - Lễ hội khai ấn, phát ấn đền Trần (Nam Định) được tổ chức vào đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm là một trong những lễ hội truyền thống thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của người dân trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, vài năm gần đây, lễ hội này đã nảy sinh khá nhiều bất cập khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Trước tình hình đó, chúng tôi đã về thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) để tìm hiểu công tác chuẩn bị cũng như những giải pháp của chính quyền địa phương trong việc tổ chức lễ hội đền Trần xuân Tân Mão 2011.
Giữ an ninh trật tự được đặt lên hàng đầu
Những ai tham dự Lễ hội đền Trần đầu xuân Canh Dần 2010 đến nay vẫn chưa hết ám ảnh bởi sự xô đẩy, chen lấn của hàng ngàn người tranh giành nhau để lên nhận lá ấn của "anh linh vua Trần ban phúc".
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Công điện số 162/CĐ-TTg ngày 9-2-2011 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, năm nay UBND thành phố Nam Định đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức các phương án bảo đảm an ninh, trật tự cả trước, trong và sau lễ hội, đặc biệt là thời điểm khai ấn và phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Thượng tá Nguyễn Ngọc Toàn, Trưởng công an thành phố Nam Định cho biết: Trước Tết Nguyên đán, Công an thành phố đã hoàn chỉnh đầy đủ các kế hoạch, phương án như: Bảo đảm an ninh trật tự; Phòng chống cháy nổ; Phân luồng và bảo đảm an toàn giao thông; Ngăn chặn các hành vi trộm cắp, sản xuất và phát hành lá ấn giả.
Phương án bảo đảm an ninh trật tự được đặt lên hàng đầu. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, UBND thành phố Nam Định sẽ huy động gần 2000 cán bộ, chiến sĩ đội viên thuộc các lực lượng công an, quân đội, dân quân, tự vệ và dân phòng tham gia bảo vệ, giữ gìn trật tự, trị an ở tất cả các vị trí nhạy cảm với một ban chỉ huy chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất. Thượng tá Nguyễn Ngọc Toàn nói:
- Chúng tôi tổ chức 5 vòng bảo vệ chặt chẽ: Vòng 1 là ở vành đai các xã, phường; vòng 2 từ cầu Tân Đệ đến tuyến Quốc lộ 10 trên địa bàn thành phố; vòng 3 là toàn bộ khu vực đường Trần Thừa; vòng 4 là khuôn viên đền Trần và sân hành lễ; vòng 5 là khu vực nội cung đền Thiên Trường. Chúng tôi đã lập hàng rào chắc chắn theo phương châm phòng vệ "Từ xa đến gần, từ ngoài vào trong" để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý những tình huống xấu có thể xảy ra.
Để tránh ùn tắc giao thông, từ sáng sớm ngày 14 tháng Giêng âm lịch, Công an thành phố sẽ tăng cường lực lượng để phân luồng từ cầu Tân Đệ đến tuyến Quốc lộ 10 vào khu di tích; đồng thời chủ động chốt chặn ở các ba-ri-e, hàng rào, chốt cứng nhằm ngăn ngừa dòng người chen lấn nhau vào tranh cướp lá ấn như đã từng xảy ra những năm trước đó. Đến nay, địa phương cũng đã cải tạo, mở rộng và đưa vào sử dụng 2 bãi đỗ xe mới với diện tích 5,8ha, trong đó có bãi đỗ xe ô tô với sức chứa gần 3000 chiếc; bảo đảm phần lớn các phương tiện ô tô, xe máy của du khách về dự lễ được đưa vào gửi đúng nơi, đúng bãi với giá cả niêm yết công khai, đúng quy định.
Đổi mới cách phát ấn để quản lý lễ hội tốt hơn
Với mong muốn vừa tiếp tục duy trì, giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội đền Trần; vừa tạo điều kiện cho người dân và du khách được phát lộc "ấn tín vua Trần", năm nay Ban tổ chức lễ hội đền Trần sẽ đổi mới cách thức tổ chức phát lá ấn trong đêm khai ấn. Ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng ban quản lý khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần - chùa Tháp, cho biết: Ngoài việc mở rộng địa điểm phát ấn miễn phí với 75 ki-ốt tại các vị trí thuận tiện cho người dân dễ tiếp nhận, Ban tổ chức sẽ không phát ấn cho các đại biểu, người dân và du khách trong nội cung đền Thiên Trường như các lễ hội năm trước, mà phát ở ngoài khu vực sân đền với không gian thông thoáng, rộng rãi hơn, qua đó tránh được tình trạng quá tải, mất trật tự và ảnh hưởng đến vẻ tôn nghiêm trong giờ khai ấn.
Giải đáp băn khoăn của chúng tôi là làm thế nào để người dân được "thỏa mãn" nhu cầu tâm linh của mình thông qua việc được nhận ấn "chính hiệu", chứ không phải "ấn giả", ông Hoạt nói:
- Lá ấn đền Trần được Ban tổ chức phát ra từ ngày 14 âm lịch do đích thân Tổ trưởng Tổ từ đền Trần trực tiếp in ấn. Còn những lá ấn từ các nguồn khác phát ra hay bán cho du khách đều là ấn giả. Đây là hành vi trái đạo đức, phi văn hóa rất cần lên án.
Bà Cao Thị Tính, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Nam Định cho biết thêm: Lá ấn do Ban tổ chức và nhà đền phát ra năm nay sẽ bảo đảm rõ ràng, có giá trị thẩm mỹ và ý nghĩa linh thiêng. Còn những lá ấn giả thường có nét chữ nhòe, mờ, nên người dân và du khách cần hết sức cảnh giác, không bị kẻ xấu lừa dối.
Rất cần sự nỗ lực từ mọi phía
Trước 4 ngày khai hội, chúng tôi đã đi tham quan một vòng cảnh quan khu vực di tích lịch sử đền Trần tại phường Lộc Vượng và nhận thấy: Hệ thống biển báo giao thông, pa-nô, áp phích, băng-rôn được bố trí tăng cường ở các điểm hợp lý; cảnh quan, khuôn viên khu di tích cũng được chăm sóc, tu bổ trang hoàng hơn; đường đi lối lại trong khu di tích thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ. Cờ hội, cờ Tổ quốc tung bay phấp phới như đang vẫy chào du khách thập phương về trẩy hội đền Trần.
Vẫn biết sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt sẽ là một trong những nhân tố quyết định vào việc tổ chức lễ hội thành công. Nhưng chúng tôi cho rằng: Chính quyền, các lực lượng chức năng của thành phố Nam Định và Ban quản lý khu di tích lịch sử đền Trần cần phải chủ động bám sát tình hình, kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh trong lễ hội, đặc biệt là thời điểm lễ khai ấn, phát ấn vốn tiềm ẩn không ít nguy cơ mất trật tự, ổn định và an toàn. Bài học về vụ chen lấn, xô đẩy từ lễ hội năm ngoái vẫn còn nguyên tính thời sự. Do đó, mọi sự chủ quan, lơ là của một bộ phận, một "mắt xích" nào đó trong toàn bộ khâu tổ chức, điều hành và quản lý lễ hội này đều có thể dẫn đến những bất cập, hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả trong việc kinh doanh, buôn bán, dịch vụ ăn uống, trông giữ phương tiện của các hộ dân trong khu vực lễ hội cũng rất cần sự quan tâm đúng mức của chính quyền địa phương. Vì lễ hội khai, phát ấn đền Trần chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, lượng người từ khắp nơi cùng lúc đổ về đây rất đông. Nếu không quản lý tốt sẽ tạo cơ hội cho những kẻ "đục nước béo cò" và những chủ hộ kinh doanh, dịch vụ thiếu lương tâm tha hồ "chặt, chém" du khách như đã từng xảy ra trong các dịp lễ hội trước.
Mặt khác, người dân và du khách về dự lễ hội này cũng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm và luôn thể hiện thái độ ứng xử văn hóa nơi công cộng, không nên chen lấn, xô đẩy nhau để tranh cướp lá ấn dễ dẫn đến mất trật tự, an toàn. "Về dự lễ hội trước hết là để tỏ lòng thành kính, biết ơn và tưởng nhớ công lao của các vua Trần đối với dân, với nước. Người dân và du khách không nên chỉ vì một lá ấn mà bộc lộ hành vi bồng bột, nông nổi và thiếu văn hóa. Sự thật cho thấy, những ai cố tình tranh cướp, giành giật lá ấn về phần mình sẽ không còn thiêng liêng và cũng không được anh linh của các vua Trần phù hộ"- Ông Trần Huy Chiến, Tổ trưởng Tổ từ đền Trần khuyến cáo.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét